MÁCH BẠN VẤN ĐỀ QUAN TÂM

Để giám sát quản lý chặt chẽ phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hoá xuất nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, lưu giữ tại các kho bãi, bến cảng nhằm chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, trốn lậu thuế Tổng cục Hải quan ban hành Seal hải quan để niêm phong các container, các hòm, thùng, toa xe v.v… Theo Công văn này. Để việc quản lý, sử dụng được thống nhất, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM, CẤU TẠO SEAL HẢI QUAN.
1. Seal được thiết kế đảm bảo độ an toàn cao, mỗi chiếc Seal chỉ sử dụng được một lần.
2. Seal có 4 màu, dùng cho các loại hình quản lý sau:
A. Seal mầu da cam: dùng để niêm phong hàng kinh doanh xuất nhập khẩu.
B. Seal mầu xanh: dùng để niêm phong hàng Liên doanh – Đầu tư.
C. Seal màu vàng: dùng để niêm phong hàng Gia công, nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
D. Seal mầu trắng: dùng để niêm phong hàng xuất nhập khẩu theo chế độ riêng (Phi mậu dịch), hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, kho hàng, container rỗng, toa xe lửa, ôtô chuyên dụng và các loại hàng hoá XNK, các phương tiện vận tải XNC khác, xét thấy cần sử dụng Seal hải quan để niêm phong.
Mỗi chiếc Seal có hai bộ phận riêng biệt: Nêm Seal và Cối Seal. Trên thân Seal có in chìm 09 ký tự. Các ký tự in trên Seal là số và ký hiệu của từng Seal. Mã Seal của từng đơn vị được quy định thống nhất, theo phụ lục gửi kèm công văn hướng dẫn này.
II. ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG SEAL HẢI QUAN.
1. Khi xuất khẩu:
1.1. Container rỗng xuất trả cho phía nước ngoài thực hiện theo quy định tại công văn số 849/TCHQ-GSQL ngày 14-3-1997 của Tổng cục Hải quan.
1.2. Hàng xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan ngoài khu vực cửa khẩu được niêm phong chuyển đến Cửa khẩu/Cảng cuối cùng để xuất khẩu.
Trong trường hợp này, nếu có nghi vấn, Hải quan Cửa khẩu xuất cuối cùng mở niêm phong (phá Seal) để kiểm tra, sau khi kiểm tra xong, niêm phong lại (đóng Seal) trước khi xếp hàng lên phương tiện vận tải để xuất khẩu.
2. Khi nhập khẩu:
A. Hàng nhập do Hải quan Cửa khẩu/Cảng nhập đầu tiên đã kiểm tra sơ bộ để chuyển đến địa điểm kiểm tra ngoài khu vực Cửa khẩu và chuyển tiếp về các Tỉnh, Thành phố khác để tiếp tục kiểm tra và hoàn thành thủ tục Hải quan.
B. Hàng cấm nhập khẩu là tài sản của các tàu thuyền nước ngoài phải quản lý chặt chẽ trong thời gian neo đậu, vận chuyển tại vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam.
C. Hàng hoá nhập khẩu đang kiểm tra, nhưng phải tạm dừng do các trường hợp bất khả kháng (như: mưa, bão, ban đêm mất điện…).
3. Các trường hợp khác:
– Ô tô chuyên dụng, Toa xe lửa vận chuyển hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu v.v…
– Kho hàng tạm giữ.
– Tàu chuyên tuyến vận tải hàng hoá xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan và hàng hoá nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan vận chuyển từ Cửa khẩu/Cảng này đến Cửa khẩu/Cảng khác.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ HẢI QUAN TRONG VIỆC
SỬ DỤNG SEAL VÀ MỞ SEAL HẢI QUAN.
1. Trách nhiệm của người dùng Seal hải quan để niêm phong:
– Chỉ được phép nhận để sử dụng Seal từ người quản lý Seal cấp phát trước khi làm nhiệm vụ. Việc giao nhận phải mở sổ theo dõi và có chữ ký của người cấp (người giao) và người sử dụng (người nhận Seal).
– Trước và sau khi đóng Seal phải kiểm tra kỹ hình dạng Seal và độ an toàn của Seal nhằm đảm bảo Seal sau khi đã niêm phong không rút Nêm ra khỏi Cối Seal được, kết quả kiểm tra ghi rõ trong Biên bản chứng nhận, ghi chính xác ký hiệu Seal vào ô ghi kết quả kiểm hoá trên Tờ khai hải quan.
2. Trách nhiệm của người mở niêm phong:
Trước khi mở niêm phong, cán bộ Hải quan phải kiểm tra tình trạng bên ngoài của Seal:
– Nếu Seal còn nguyên vẹn, đúng số – ký hiệu của Seal do người niêm phong ghi trên tờ khai, không có nghi vấn thì cho tiến hành phá Seal để kiểm tra hàng hoá bên trong.
– Nếu Seal bị biến dạng, số-ký hiệu của Seal không rõ ràng hoặc có nghi vấn thì Kiểm hoá viên phải lập biên bản chứng nhận ngay tại chỗ và báo cáo kịp thời cho lãnh đạo đơn vị biết để xin ý kiến chỉ đạo.
Trong trường hợp này, Lãnh đạo cửa khẩu/Phòng/Đội phải trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nội dung hàng hoá bên trong, nếu vi phạm thì lập biên bản vi phạm để xử lý theo pháp luật hiện hành.
IV. QUẢN LÝ:
– Nếu không sử dụng hết lượng Seal được cấp phát, cuối ngày làm việc người sử dụng Seal phải giao lại cho cán bộ quản lý cấp phát.
– Người làm mất Seal hoặc người quản lý Seal phát hiện mất Seal phải báo cáo ngay cho lãnh đạo Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố để có biện pháp xử lý, đồng thời thông báo cho Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố khác biết và báo cáo Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý, Vụ Kế hoạch – Tài vụ). Nếu kẻ xấu lợi dụng Seal bị mất để làm ăn phi pháp thì người làm mất Seal và người phát hiện mất Seal không báo cáo kịp thời phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra trước pháp luật.
Những cá nhân, đơn vị làm mất Seal, hỏng Seal phải bồi thường số tiền bằng trị giá Seal đã mất; Seal bị hỏng phải thu hồi lại giao nộp cho người quản lý để đổi lấy Seal khác, không giao nộp Seal hỏng cho người quản lý coi như Seal bị làm mất; làm mất Seal phải xử lý kỷ luật.
– Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố phải mở sổ theo dõi quản lý việc cấp phát từng loại Seal cho từng đơn vị, cá nhân sử dụng. Mỗi lần cấp phát Seal cho kiểm hoá viên, cán bộ quản lý Seal phải ghi rõ số lượng, ký mã hiệu, ngày giờ cấp phát và ký nhận cụ thể. Lãnh đạo Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố chịu trách nhiệm quy định chi tiết việc quản lý cấp phát và sử dụng Seal thật chặt chẽ để không bị sử dụng Seal vào mục đích khác hoặc lợi dụng tiêu cực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *